Nhận định Cao_Xuân_Hạo

Cao Xuân Hạo thuộc vào số rất ít nhà ngữ học Việt Nam vượt lên khỏi cái địa vị thuần túy cung cấp tư liệu minh họa cho các lý thuyết ngữ học của phương Tây, để đĩnh đạc tranh luận với giới ngữ học quốc tế.
— 
Hình như trong cuộc đời ông cũng chịu không ít bầm dập. Nhưng tôi cho là may mà đời có ông. Ông chân thực vô tư mà minh triết như chú bé trong ngụ ngôn Andersen đã nói huỵch toẹt: hoàng đế cởi truồng. Không hiểu sao tôi có liên tưởng ngộ nghĩnh: một chiều gió bấc, một con đường mòn xa tít hun hút tới chân trời. Trên đó chàng kỵ sĩ gầy, mái đầu muối tiêu, nách cắp cây thương, cưỡi trên con ngẽo cà khổ. Đó là ông, Cao Xuân Hạo, chàng kỹ sĩ độc hành. Trong chiều tà, ngọn bút của ông được phản quang phóng to thành cây thương. Một người một ngựa, ông trơ trọi đi trong chiều vắng. Trước mắt, những hồn ma bóng quế chập chờn. Nhưng ông vui vì tin rằng một ngày mai những con chữ Việt sẽ tưng bừng trong cuộc hoan ca chào đón ông - người giải phóng...
— 
Hình như không có lúc nào mà trong tâm trí ông lại không bận rộn chuyện về phương cách, biện pháp phải làm thế nào để miêu tả đúng bản chất tiếng Việt để người Việt vận dụng cho chính xác. Theo cá nhân tôi, Cao Xuân Hạo là một nhà ngữ học chuyên thông của Việt Nam chúng ta...
— 
Chính nhờ sự thấu hiểu tuyệt vời của mình về tiếng mẹ đẻ, kết hợp với sự tham khảo sâu rộng, sáng suốt và không bao giờ mệt mỏi của mình ở nhiều công trình hữu quan thuộc loại mới nhất của nước ngoài; nên Cao Xuân Hạo chẳng những có nhiều cống hiến to lớn cho Việt ngữ học mà còn buộc người ta hoài nghi nền ngữ học đại cương bằng cống hiến độc đáo và đặc sắc của mình về bản chất của âm vị trong tiếng Việt (và các ngôn ngữ khác cùng loại hình). Lâu nay, người ta cứ mê đắm trong cái biển ngập ngụa chất muối "Âu châu tâm điểm" của ngữ học đại cương mà miêu tả rồi định nghĩa âm vị tiếng Việt chẳng khác gì âm vị trong các ngôn ngữ Âu châu. Cao Xuân Hạo chứng minh rằng làm như thế là không đúng với bản chất của đơn vị này trong tiếng Việt: của tiếng Việt là trường âm vị (macrophonématique) còn của các ngôn ngữ Âu Châu là đoản âm vị (microphonématique). Điều này buộc ngữ học đại cương phải định nghĩa lại khái niệm "âm vị" để cho nó có thể thích hợp với các loại hình ngôn ngữ.
— 
Lối dịch văn học của Cao Xuân Hạo vừa sáng vừa chuẩn nhưng vừa mờ ảo. Đó là điều không hề dễ dàng với bất cứ dịch giả nào, khi bản dịch không xấu hổ có thể đứng đàng hoàng bên cạnh nguyên tác, không hề "phản" cũng không hề hạ thấp chất văn trong nguyên tác mà lại thăng hoa chất văn trong Việt ngữ. Có được thành công ấy, vì Cao Xuân Hạo trong sâu thẳm tâm hồn mình là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ ngôn từ, nghệ sĩ của tiếng Việt
— 

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cao_Xuân_Hạo http://vannghe.free.fr/caoxuanhao/chung-vi-cuong.h... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5116&r... http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5630&r... http://vnn.vietnamnet.vn/vanhoa/chuyende/2006/01/5... https://web.archive.org/web/20071017151225/http://... https://www.worldcat.org/title/am-vi-hoc-va-tuyen-... https://www.worldcat.org/title/tieng-viet-s-tho-ng... https://www.worldcat.org/title/tieng-viet-van-viet...